• An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow

TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU NGÀNH NHỰA NĂM 2013



Còn nhiều tiềm năng cho xuất khẩu sản phẩm nhựa. Nguồn Internet.
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, xuất khẩu của ngành Nhựa đã đi vào chiều sâu. Cụ thể, trong năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu chất dẻo nguyên liệu đạt hơn 407 triệu USD, tăng 25% về lượng và 57% về kim ngạch so với năm 2012. Nguyên liệu chất dẻo là mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật cao nên giá trị gia tăng thu được trong kim ngạch xuất khẩu cao hơn xuất khẩu sản phẩm nhựa thuần túy.
Trong năm 2013, ngành nhựa có hơn 20 chủng loại sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường, trong đó có 6 loại sản phẩm đạt kim ngạch ước trên 100 triệu USD. Đặc biệt, 4 sản phẩm là túi nhựa; tấm, phiến, màng nhựa; các sản phẩm dùng trong vận chuyển, đóng gói và vải bạt có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 150 triệu USD. So với năm 2012, trong năm 2013 có một số sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như túi nhựa (27%); tượng nhỏ, chậu hoa và các đồ trang trí (26,4%); các loại ống và phụ kiện, nắp, mũ, van (27,9%)…
Đến nay, sản phẩm nhựa Việt Nam đã xuất khẩu vào 151 thị trường trên thế giới, trong đó có cả những thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao như Nhật Bản, Mỹ, Đức, EU. Hiện Nhật Bản là thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của ngành nhựa Việt Nam, đạt 401 triệu USD, tăng 11,2% so với năm 2012, chiếm 19,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Nhật Bản là thị trường lớn nhiều tiềm năng, vì vậy các doanh nghiệp cần có chiến lược đầu tư, nghiên cứu sản phẩm, khảo sát thị trường để khai thác cơ hội ở thị trường Nhật. Hiện, ngành Nhựa Việt Nam đang xuất khẩu 20 chủng loại sản phẩm nhựa vào Nhật Bản, đặc biệt trong đó có 15 chủng loại sản phẩm nhựa đạt kim ngạch trên 1 triệu USD.
Trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nhựa sang Hoa Kỳ đạt 175 triệu USD đứng vị trí thứ 3, tăng 8,7% và chiếm 8,6% trong tổng kim ngạch. Năm 2014 là đến thời điểm áp dụng thủ tục “rà soát hoàng hôn” kết thúc chu kì áp thuế 5 năm đối với sản phẩm túi nhựa của Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp cần chú ý để có những quyết sách phù hợp với thị trường Hoa Kỳ để có thể tránh bị Hoa Kỳ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá lên mặt hàng túi nhựa. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu túi nhựa sang thị trường Hoa Kỳ rất khiêm tốn, chủ yếu tập trung vào các sản phẩm nhựa dùng trong vận chuyển, đóng gói và tấm, phiến màng nhựa….
Trong năm 2013, các doanh nghiệp nhựa dù vẫn gặp nhiều khó khăn như đối mặt với sức mua giảm mạnh, nhưng phần lớn các doanh nghiệp vẫn duy trì được sản xuất. Với những khó khăn của nền kinh tế thế giới nên trong năm 2014 các doanh nghiệp nhận định xuất khẩu của ngành nhựa chỉ đạt tăng trưởng trung bình từ 13,5-16,5% so với năm 2013.
Ông Hồ Đức Lam cho rằng, hiện nay các DN nhựa Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực. Do đó cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp. Đồng thời về lâu dài cần có những tiểu ban sản phẩm để tạo lợi thế cho sản phẩm nhựa Việt Nam trên thị trường quốc tế thông qua tính liên kết trong sản xuất để các doanh nghiệp cùng khai thác chi phối thị trường. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm 2013, doanh nghiệp trong nước nắm giữ 45% kim ngạch, còn lại là do các doanh nghiệp FDI mang lại. Trong thời gian tới, để hoạt động xuất khẩu của ngành nhựa bền vững, các doanh nghiệp cần hướng tới những sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn với sức khỏe tiêu dùng.